Sau khi ông Trần Sơn Hải nộp đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc và Người đại diện theo pháp luật của Công ty Chứng khoán Tiên Phong vì lý do cá nhân, Bà Bùi Thị Thanh Trà đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của TPS từ ngày 26/07/2022.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) thông báo nhận được đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc và Người đại diện theo pháp luật của ông Trần Sơn Hải vào ngày 23/7. Ông Hải cho biết bởi lý do cá nhân nên không thể tiếp tục nhận đảm nhận các chức danh trên.
Ngay trong sang ngày 26/7, Công ty Chứng Khoán Tiên Phong đã bổ nhiệm người thay thế ông Hải. Cụ thể, Bà Bùi Thị Thanh Trà được bổ nhiệm là Tổng Giám Đốc của Công Ty Chứng Khoán Tiên Phong từ ngày 26/07/2022.
Bà Bùi Thị Thanh Trà, sinh năm 1976, nữ Tổng Giám Đốc đầu tiên của Chứng Khoán Tiên Phong, là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp như là Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT, Tổng Giám Đốc tại Tổng Công ty Mía đường II - CTCP, CTCP Phát triển Nông nghiệp Bình Dương, CTCP Mía đường La Ngà…
Bà Trà gia nhập và đồng hành cùng TPS ngay từ những ngày đầu tái cơ cấu (tháng 3/2019) với vai trò là Giám đốc Khối Vận hành. Đến thời điểm được bổ nhiệm là Tổng Giám Đốc của TPS, Bà Trà đang giữ chức vụ Phó Tổng Giám Đốc phụ trách chung hoạt động của TPS; trước đó cũng có hơn một năm Bà Trà phụ trách mảng Ngân hàng Đầu tư (IB) của TPS với vai trò Giám đốc Khối.
Chỉ sau 2 năm tái cơ cấu, TPS đã gặt hái những thành công vượt bậc. Doanh thu và lợi nhuận của TPS tăng đều qua mỗi năm, trong đó doanh thu từ hoạt động IB chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của TPS.
Cổ đông lớn nhất của TPS hiện là gân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) sở hữu hơn 9% trong vốn điều lệ 2000 tỷ đồng.
Đồng thời, từ năm 2019, 2/3 thành viên HĐQT của TPS là nhân sự cấp cao của TPBank, đó là ông Đỗ Anh Tú – Phó Chủ tịch HĐQT TPBank nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT TPS và bà Trương Thị Hoàng Lan – Phó Tổng Giám Đốc TPBank nắm giữ chức vụ Thành viên Độc lập HĐQT TPS.
Việc xáo trộn nhân sự cấp lãnh đạo của TPS xảy ra ngay sau khi công ty báo cáo kết quả kinh doanh không mấy tích cực. Công ty bất ngờ báo lỗ kỷ lục 129 tỷ đồng trong quý II do tác động xấu của hoạt động tự doanh.
Khoản lỗ trên chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư tài chính, bao (gồm đầu tư cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp) khi khoản mục lỗ các tài sản tài chính (FVTPL) tổng cộng gần 528 tỷ và lãi FVTPL chỉ có 278 tỷ, tức lỗ ròng gần 250 tỷ đồng.
Công ty đã cắt lỗ loạt cổ phiếu với giá trị âm 87 tỷ đồng và bán lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết với mức lỗ hơn 280 tỷ đồng. Tổng giá trị đã cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong quý vừa qua lên đến 367 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm, công ty chứng khoán ghi nhận doanh thu hoạt động gấp 2,7 lần cùng kỳ đạt 1.473 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại giảm 32% xuống còn 118 tỷ đồng. Đơn vị hoàn thành 78% tiến độ doanh thu nhưng mới thực hiện 24% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tổng tài sản đến cuối quý đạt trên 6.000 tỷ đồng, cao hơn 1.290 tỷ đồng so với đầu năm nhờ có lượng tiền mới huy động từ nhà đầu tư. Giá trị cho vay margin thời điểm chỉ còn 1.487 tỷ đồng, giảm 286 tỷ đồng so với quý trước.
Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh vay nợ tài chính ngắn hạn lên hơn 496 tỷ đồng, tức tăng gần 150 tỷ so với đầu năm, toàn bộ do vay mới từ đại gia bán lẻ Thế Giới Di Động chịu mức lãi suất 8-8,2%/năm.
Đăng nhận xét