Kỳ vọng dòng vốn tìm đến các startup công nghệ Việt hậu đại dịch

Sức hút mạnh mẽ từ startup công nghệ Việt Nam là không thể chối bỏ khi dòng vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực này vẫn không ngừng tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc. Từ đầu năm đến nay, nhiều startup công nghệ Việt gọi vốn thành công với giá trị lên đến hàng triệu USD. Đây được cho là thành công của đội ngũ startup khi vượt qua giai đoạn khó khăn bởi dịch Covid-19.

Sôi động thị trường đầu tư startup công nghệ

Bên cạnh những thách thức mang lại cho các doanh nghiệp, Covid-19 đã phần nào đóng vai trò như chất xúc tác, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Các startup công nghệ đã chứng minh tiềm năng của mình khi đóng góp một phần không nhỏ trong việc giúp giải quyết các vấn đề phát sinh do đại dịch như giao hàng, giáo dục trực tuyến, làm việc từ xa, thanh toán kỹ thuật số...

Sức hút mạnh mẽ từ startup công nghệ Việt Nam được minh chứng khi dòng vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực này vẫn không ngừng tăng trưởng. Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động cho thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam vẫn đạt được mức cao kỷ lục.

Theo báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam”, năm 2021 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc kỷ lục mới của lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam trên cả hai phương diện tổng số vốn đầu tư và số thương vụ được rót vốn với hàng loạt thương vụ gây tiếng vang như Sky Mavis gọi vốn thành công 152 triệu USD, VNLife gọi vốn thành công 250 triệu USD, Tiki gọi vốn thành công 258 triệu USD và MoMo gọi vốn thành công 300 triệu USD.

 Việt Nam đang là môi trường lý tưởng cho các startup phát triển 

Năm 2022, vốn đầu tư khởi nghiệp Việt Nam được dự báo đạt 2 tỷ USD và trọng tâm đầu tư vẫn là lĩnh vực công nghệ. Ngay từ những tháng đầu năm 2022, thị trường startup công nghệ đã trở nên sôi động với nhiều thương vụ huy động vốn nổi bật như Timo - ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam thành công gọi vốn 20 triệu USD, Jio Health - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực y tế công nghệ (Medtech) huy động được 20 triệu USD và đặc biệt là Sky Mavis - startup trở thành kỳ lân nhanh nhất Việt Nam với khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD.

Theo các chuyên gia, do nhiều ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên các nhà đầu tư đã nhanh chóng dịch chuyển để tập trung vào các nhóm ngành ít bị tác động, trong đó có lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, ngành công nghệ tài chính (Fintech) và bán lẻ (Retail) là hai ngành đứng đầu trong việc đóng góp vào sự bùng nổ của startup công nghệ Việt Nam khi lần lượt thu hút được 35% và 33% tổng số vốn đầu tư, tương đương 512 triệu USD và 469 triệu USD.

Nhận định về thị trường đầu tư startup Việt Nam, chia sẻ trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, ông Bình Trần - Đại diện quỹ AVV Alpha cho biết, Việt Nam hiện đang thu hút nhiều nhà sáng lập do là một thị trường sôi động và dễ tiếp cận, trong khi chi phí sinh hoạt thấp và nguồn nhân lực công nghệ chất lượng lại dồi dào. Những thách thức mà thị trường thường phải đối mặt, hành vi khách hàng cũng có nhiều điểm tương đồng với các nước đang phát triển khác, đồng nghĩa với việc các giải pháp công nghệ ở Việt Nam có tiềm năng tiếp cận các thị trường khác trên thế giới. Do vậy, các nhà sáng lập startup sẽ tiếp tục coi Việt Nam là cái nôi lý tưởng để xây dựng những công ty dẫn đầu khu vực và toàn cầu.

Chìa khóa khai phá tiềm năng

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), “kỳ lân” khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam. Với các yếu tố như sôi động, dễ tiếp cận, chi phí sinh hoạt thấp, nguồn nhân lực công nghệ chất lượng dồi dào… thị trường Việt Nam đang là môi trường lý tưởng cho các startup phát triển với tham vọng vươn đến thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Bình Trần, để đạt được thành công trên thị trường quốc tế, các startup cần một đội ngũ sáng lập tham vọng với một tầm nhìn xa, biết phát triển văn hoá công ty phù hợp với từng giai đoạn phát triển doanh nghiệp. Như vậy mới thu hút được những cá nhân tài năng trong nhiều lĩnh vực, một đội ngũ lập trình lăn xả và sáng tạo, hoạt động vốn hợp lý nhất có thể, đồng thời cũng cần rất nhiều may mắn.

Chung quan điểm đó, chia sẻ tại sự kiện Khai trương Hệ thống thư viện công nghệ - STEAM hub toàn quốc, ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết để khởi nghiệp công nghệ thành công cần có sự đào tạo bài bản các tài năng từ sớm. Hiện tại, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang chiếm tỷ lệ cao ở Việt Nam nên việc đào tạo về lập trình là cần thiết, đặc biệt là đối với các bạn trẻ, để từ đó, các bạn trẻ có môi trường tiếp xúc, làm quen với công nghệ và ứng dụng đổi mới sáng tạo trong học tập, làm việc.

“Khởi nghiệp cần gắn với đột phá, không chỉ là câu chuyện lập nghiệp. Muốn đột phá thì các bạn cần phải có tư duy, quá trình đào tạo. Hiện tại, Việt Nam đang là điểm đến về công nghệ ở Đông Nam Á, nếu chúng ta tận dụng được nguồn lực, công nghệ, nước ta có thể cạnh tranh với Singapore, Indonesia trong tương lai.” - ông Võ Xuân Hoài cho hay.

Ngoài ra, việc “kết đôi” với các tập đoàn cũng được xem là một giải pháp củng cố thêm tiềm năng và sức mạnh cho các startup. Về phía startup, họ sẽ có cơ hội “nương” vào hệ sinh thái rộng lớn của các tập đoàn để mở rộng kinh doanh. Còn về phía tập đoàn, doanh nghiệp cũng có cơ hội thêm nguồn đổi mới sáng tạo để tăng trưởng.

Thực tế, nhiều tập đoàn tư nhân hàng đầu trong nước đã mở rộng danh mục đầu tư của mình về phía thị trường khởi nghiệp. Cụ thể như Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm Ventures có mức đầu tư 300 triệu USD; Tập đoàn CMC cũng đã thành lập Quỹ sáng tạo CMC; hay Tập đoàn FPT có Quỹ FPT Ventures… nhằm rót vốn vào các startup đổi mới sáng tạo, vừa là cách mở rộng danh mục đầu tư, vừa làm giàu cho hệ sinh thái của mình.

Đăng nhận xét

Copyright © DOANH NHÂN VIỆT NAM. Designed by OddThemes